Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

“Sớm yêu, muộn cưới” nên chăng?

Ông bà mình đã bảo: Đời người, nhất là con gái, như bông hoa nở có thì. Thế nên, tuổi nào làm việc đó: tuổi học phải học, tuổi yêu mới yêu, tuổi cưới phải cưới… Vậy mà giới trẻ bây giờ nhiều em cứ làm đảo lộn “trật tự” hết cả.

Sao hoa sớm nở?

Do đời sống vật chất, tinh thần của giới trẻ thời nay đầy đủ hơn rất nhiều so với vài thế hệ trước, nên cơ thể và tâm lý các em cũng phát triển sớm, nhanh và vượt trội hơn. Bây giờ không hiếm thấy những em trai, em gái tuổi mới 13 - 15 mà đã cao 1,6 - 1,7m, như thiếu nữ mười tám, đôi mươi xưa kia.

Vì thế các em cũng dậy thì sớm hơn. Theo vài kết quả khảo sát cho thấy, so với khoảng mười năm trước, tuổi dậy thì của các em nữ đã giảm 2 tuổi: từ 13, 14 xuống 11, 12 tuổi. Cá biệt có những em chỉ từ 9, 10 tuổi. Tuổi dậy thì trung bình của các em nam cũng giảm tương tự.

Giới trẻ thể hiện tình cảm nơi công cộng. Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Sự phát triển vội của thể chất và tâm lý đã tạo nên một nhu cầu khách quan về tình yêu, tình dục trong những con người trẻ đó. Sự tò mò, kích thích của các em càng tăng lên khi được sự “hỗ trợ” đắc lực của các phương tiện truyền thông, các công cụ nghe nhìn. Các sản phẩm văn hóa thời mở cửa tuy đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng gây ra muôn vàn những hệ lụy.

Xu thế thương mại hóa, thực dụng, chạy theo thị hiếu tầm thường từ trong sách báo, phim ảnh đã lan đến từng mái nhà, góc phố như một loài nấm độc sau mưa, vô tình (hay chủ ý) cổ súy cho một lối sống lai căng, buông thả, phóng túng, bản năng…

Tuổi mới lớn, các em vẫn chưa đủ kiến thức, nhận thức để phân biệt sự “đục - trong”, gây lên những lệch lạc, ngộ nhận về giá trị sống, gu thẩm mỹ. Các em coi việc sớm yêu, sành sỏi chuyện yêu là điều đáng tự hào, là cái để khẳng định mình. Không lạ gì những màn tỏ tình gây “chấn động” của sinh viên A trường B. Hay những vụ ghen tuông từ cuộc tình tay ba dẫn đến án mạng ở trường C mà báo chí đã đưa tin.

Các nhà tư vấn tâm lý còn rất “đắt hàng” về những lời cầu cứu của các phụ huynh khi phát hiện ra con em mình “hỷ mũi chưa sạch” mà đã biết yêu, đòi yêu. Như có cậu bé ở Tân Bình, mới 14 tuổi nhưng chỉ chịu đi học nếu được “yêu” cô bạn cùng lớp và bắt ba mẹ phải sang nhà bạn đó có lời “xí phần” cho em. Để cô bé kia không được “yêu”, được để ý đến “thằng nào” nữa. Em đòi có ĐTDĐ rồi suốt ngày nhắn nhe chát chít, việc học hành bê trễ hẳn.

Một em gái ở Bình Thạnh, cũng mới 14, 15 tuổi nhưng yêu một anh đã 19, 20 và là dân lêu lổng. Em thường xuyên bỏ nhà theo anh ta vài ngày. Khi ba mẹ tìm về được thì lại ra giá là phải thuê phòng riêng cho em ở, em mới chịu đi học tiếp và không bỏ đi bụi theo “người yêu” nữa. Mọi sự khuyên răn, giảng giải với em đều bằng thừa vì “em rất yêu anh ấy và phải bảo vệ tình yêu của mình”.

Sao yêu chẳng cưới?

Một nghịch lý là tuy “sớm yêu” nhưng giới trẻ bây giờ lại không mấy mặn mà chuyện hôn nhân. Cũng có lý do khách quan bởi áp lực từ công việc, từ cuộc sống cá nhân giờ cũng lớn hơn làm các em như bị cuốn vào guồng quay để ít còn thời gian vun vén cho công việc gia đình: làm vợ, làm mẹ. Nhưng cái chính là những quan niệm sống cũng đã thay đổi: sự tự do, hưởng thụ được đề cao hơn, “cái tôi” cá nhân là trên hết. Mà hôn nhân là “như gông đeo cổ”, ít nhiều đều có sự hy sinh, vất vả…

Thế nên, có rất nhiều đôi đã yêu nhau cả thập kỷ, sống thân mật như vợ chồng nhưng hỏi bao giờ cưới vẫn lắc đầu quầy quậy, kiên quyết “không cưới trước tuổi 30”. Dù đã được cảnh báo về mẫu số chung của những đôi yêu nhau quá lâu mà không cưới thì hầu hết rồi đường ai nấy đi.

Nhiều em không coi chuyện cưới hỏi là thiêng liêng, mong đợi. Họ cứ thích sống “như Tây”, vui thì còn, hết vui là… giải tán, khỏi thủ tục lằng nhằng. Với những trường hợp này, có ảnh hưởng ít nhiều từ môi trường sống, từ gia đình. Như hôn nhân của cha mẹ, anh chị em bạn bè không hạnh phúc, làm họ mất niềm tin, mất hình tượng.

Dù là vì lý do gì thì việc “sớm yêu muộn cưới” của các bạn trẻ - nhất là “sớm yêu”, cơ bản chẳng có lợi ích gì cho người trong cuộc, lại rất dễ dẫn đến cảnh… “sớm con muộn chồng”.

Hậu quả

Vì tò mò, thiếu kiềm chế, thiếu hiểu biết, “yêu sớm”, “làm người lớn” sớm, các em sẽ bị cuốn vào những chuyện yêu đương, phân tâm học hành, mất đi sự vô tư hồn nhiên trong trẻo. Rồi còn những hậu quả lớn hơn như mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai…

Hầu hết những em “yêu sớm” nếu không được sự định hướng, uốn nắn kịp thời, đúng đắn của cha mẹ, thầy cô thì rồi thường bị cuốn sâu vào, thành ra học hành sa sút, lỡ dở tương lai. Như em M ở Q.9 (TP. HCM), yêu từ lúc học lớp 10, làm mẹ khi vừa 17 tuổi.

3 năm sau nữa đã là mẹ của hai đứa trẻ ốm yếu như con mèo hen. Còn chồng em, chàng trai cũng mới qua tuổi 20, suốt ngày vẫn chỉ ăn rồi đi đá bóng với lũ trẻ trong xóm, rồi về tranh quà với con. Chỉ khổ cho bố mẹ chồng em “nuôi con chưa xong giờ lại phải nuôi thêm cháu”, như họ thường than thở.

Khoa học đã chứng minh, tuổi tốt nhất để người phụ nữ sinh con đầu lòng, để đảm bảo cho ra đời những em bé thông minh, khỏe mạnh, là từ 22 – 25 tuổi. Nếu không vì những hoàn cảnh riêng nào đó (công việc, sức khỏe…) không nên sinh con lần đầu sau tuổi 30 - cái tuổi đã toan về già.

Bởi chỉ tuổi 27, con người ta đã bắt đầu lão hóa rồi. Đừng cứ lúc trẻ yêu đương nhởn nhơ rồi khi thấy sắp xế bóng mới cuống cuồng “vơ đại”. Khi ấy, hạnh phúc lứa đôi đã hiếm hoi như trò xổ số, lại thêm cảnh “cha già - con cọc”. Ấy là chưa kể, cha mẹ quá lớn tuổi mới sinh con cũng là một trong những nguyên nhân để con mắc chứng tự kỷ.

Vì thế, người làm cha mẹ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý cho con mình để tránh việc có những “bé Ù”, “em Chã”, phát triển thể chất quá mức, vượt khung, dậy thì sớm rồi yêu sớm. Điều này khiến con mình như không có tuổi thơ. Cha mẹ cũng cần dạy dỗ, định hướng chu đáo cho con từ cách yêu, cách sống, không chỉ qua sách vở mà bằng cả chính sự gương mẫu, chuẩn mực, hạnh phúc của mình. Thực tế cho thấy, thường những gia đình nề nếp, thuận hòa, sống đẹp thì rồi con cái cũng yêu đẹp và yêu ngoan.

Chuyên gia tâm lý KIM BẮC

Men tiêu hóa không trị được tiêu chảyMen tiêu hóa không trị được tiêu chảyĐổi mới ngay từ việc nhỏ nhấtĐổi mới ngay từ việc nhỏ nhấtKhi phái mạnh “suy yếu” - Dùng thuốc gì?Khi phái mạnh “suy yếu” - Dùng thuốc gì?

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét